Vụ cô giáo đánh học sinh ở Hải Phòng không chỉ là một hành vi xâm phạm thân thể, tinh thần học sinh, vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn là một cuộc lột trần xã hội khủng khoảng. Mỗi nỗi xấu hổ đối với Bộ GD, nỗi bất an đối với các bậc làm cha làm mẹ.
Giáo dục là tấm gương phản chiếu bộ mặt xã hội. Một bộ mặt đang bị tha hóa bởi sức mạnh thuộc về kẻ ác hoặc quyền thế. Luật pháp, đạo lý không bảo vệ được người thiện lương, thấp bé địa vị. Đáng tiếc, người thiện lương và thấp bé ấy, lại là số đông chúng ta.
Tôi nhớ đến vụ gây chấn động toàn xã hội. Một vụ tốn bao nhiêu giấy bút của cánh báo chí. Một vụ thương tâm để lại nỗi đau không chỉ đối với những nạn nhân mà còn của toàn xã hội.
Năm đứa trẻ hành hạ thể xác và tinh thần, lột quần áo và dí điện thoại vào vùng kín của cô bé dậy thì. Điều đáng nói ở đây là những bậc làm thầy, làm cô. Vì dù những đứa trẻ vị thanh niên kia chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì hiệu trưởng có hành vi không tố giác tội phạm và nhất là cô giáo chủ nhiệm với việc bắt học sinh xoá clip, đã có hành vi che giấu tội phạm.
Theo tôi, đây là vụ cần phải xử lý trách nhiệm hình sự, thay vì những kiểu hình phạt “khôi hài” kiểu đình chỉ tạm thời hiệu trưởng và luân chuyển giáo viên chủ nhiệm.
Hay vụ cô giáo đánh học sinh ở Hải Phòng, tát học sinh thật dã man nhưng chỉ bị buộc thôi việc. Có thể những con người nói trên không đủ hiểu biết pháp luật nhưng họ không thể không hiểu rằng việc mình làm là thiếu lương tâm trách nghiệm và đạo đức nghề nghiệp.
Cũng có thể căn bệnh thành tích nghiệt ác đã biến họ thành những cái máy chạy bằng con số, không còn cảm xúc, không còn đạo lý. Nhưng hãy đặt một chữ “nếu”, nếu cô bé giãy dụa kia không phải con của một người cha tâm thần và một người mẹ khổ hạnh mà là con của một quan chức, họ có im lặng hoặc xoá dấu vết không? Tôi nghĩ là không, họ thậm chí sẽ là những người đầu tiên báo công.
Đây là một cuộc chà đạp thân phận con người. Và nó khiến bất kỳ ai có lương tri đều cảm thấy đau buốt. Cảm thấy bất an với một nền giáo dục đang trở thành một sân khấu rùng rợn cho những đứa trẻ phô diễn bản năng độc ác, nơi khuếch trương cái ác. Sẽ lại có những ý kiến rằng một vài hiện tượng đơn lẻ không phản ánh bộ mặt giáo dục. Không! Khi các hiện tượng giống nhau liên tiếp xảy ra, nó thể hiện bản chất.
Ngày xưa đi học chúng ta có đánh nhau không? Có! Nhưng chúng ta sẽ không đánh một học sinh vì nghèo hoặc cô thế. Đặc biệt, dù không ai dạy, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ lột trần một đứa trẻ giữa lớp. Bởi vì có hằn học đến đâu, chúng ta vẫn hiểu nhân phẩm là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Chúng ta không chà đạp bạn học đến tận cùng như vậy.
Đòn thù của số đông nhắm vào một cá nhân không có khả năng phản kháng cho thấy ngay cả những đứa trẻ cũng sẵn sàng đi đến tận cùng bản năng thú tính trong mình. Bản năng ấy, chỉ có thể được đánh thức trong môi trường mục ruỗng giá trị.
Những công dân trưởng thành con quan chức gian lận, người ta dành cả năm trời để xét đến nhân đạo. Một đứa trẻ cô thế con nhà nghèo bị chà đạp, thì người ta xem như không có gì xảy ra.
Dần dà, chúng ta sẽ không thể níu giữ thiện lương được nữa. Khi không thể ngoi lên tìm địa vị, con người sẽ trở nên độc ác hơn. Một hạt mầm nghiệt ngã đang được gieo trong địa hạt giáo dục mà nếu những con người chèo lái quốc gia không nhìn ra, thì chính họ chẳng qua cũng chỉ là hiệu trưởng hoặc giáo viên chủ nhiệm mê muội xảo trá của cả xã hội mà thôi!
Đồng ý rằng, không thể đánh đồng dựa vào một cá nhân như cô giáo viên kia hay thầy hiệu trưởng nọ. Nhưng sẽ thật đáng nói khi, những vụ này liên tiếp xảy ra và đây như một nhát dao đâm thủng bức tường giáo dục. Liệu chúng tôi có an tâm khi giao con của chúng tôi cho nhà trường, cho thầy cô? Thiết nghĩ một con sâu dù có nhỏ nhoi nhưng cũng vẫn có thể làm hỏng một nồi canh, kính mong Bộ Giáo dục cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp như vậy.
(Chia sẻ tâm thư của một bạn độc giả).