Đề văn lớp 10 ở Khánh Hòa: ” Chúng ta có đang tìm cách từ chối những ân cần của bố mẹ?”

0
1837

Chúng ta có đang hay vô tình "từ chối những quan tâm, những ân cần của cha mẹ" hay không?

Đề thi vào 10 ở Khánh Hòa dưới đây sẽ khiến không ít người phải suy ngẫm! 

Đề văn lớp 10 ở Khánh Hòa: Tìm cách từ chối những ân cần của cha mẹ? - Ảnh 1.

Cụ thể, sáng 3-6, đề bài được đưa ra trong kỳ thi tuyển sinh vào 10 môn Văn của tỉnh Khánh Hòa trong thời gian 120 phút đã đề cập tới vấn đề nổi trội hiện nay: người trẻ tuổi đang cảm thấy khó chịu về sự quan tâm từ phía bố mẹ. 

Nhìn tổng thể, đề thi đề cập nhiều hơn tới tình cảm gia đình. Ở phần đọc hiểu, khổ thơ được trích từ bài "Mẹ vẫn luôn ở đây để ôm con…" của nhà thơ Nguyễn Phong Việt. Vẫn có những câu hỏi theo cấu trúc thông thường, tuy nhiên, điểm đáng chú ý là ở yêu cầu 4.  

"Trong cuộc sống, có những đứa con đôi khi tìm cách từ chối những ân cần của cha mẹ. Ở vị trí của một người con, theo em, điều đó đáng chê trách hay có thể cảm thông? Vì sao?".

Và ở phần làm văn cũng có hai yêu cầu: "Từ nội dung đoạn trích viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về cách thể hiện tình yêu thương của bản thân đối với gia đình; cảm nhận về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà" (Nguyễn Quang Sáng)". 

Có thể đọc qua đề bài tưởng chừng như rất quen thuộc ấy lại là phút lắng đọng đáng để suy ngẫm. Vấn đề "từ chối những ân cần của cha mẹ" thực sự là điều đáng để nghĩ tới và mang tính giáo dục cho người trẻ trong đời sống hiện tại. 

Cô Nguyễn Thị Trang, giáo viên văn ở tỉnh Quảng Ngãi, nêu ý kiến: "Tôi không bàn đề văn hay hay dở, nhưng có điều đề văn đả động được suy nghĩ của học trò. Không dừng lại ở điểm số, ở kỳ thi, mà kết thúc môn thi điều đọng lại ở các em là câu chuyện mình có nên từ chối sự quan tâm của cha mẹ? Hay là mình dung hòa cả ý chí nghị lực tự vươn lên của bản thân, và 'hậu phương' là sự quan tâm lo lắng của cha mẹ". 

Có lẽ, sau khi thực sự có thời gian để suy nghĩ về vấn đề này, một lần nữa các em lại nhận ra: à thì ra ta vẫn luôn được yêu thương như thế, tình yêu thương mà chẳng cần hô hào hay thể hiện quá mức. Nó vẫn luôn ở đấy, chỉ là đôi khi ta quá rong ruổi chạy theo những thứ "to tát" ngoài kia mà chẳng kịp ngoảnh lại nhìn lấy những yêu thương ấy đến một lần. Đây thực sự sẽ là vấn đề khiến các em cảm thấy trăn trở, sẽ phải thực sự nhìn lại, thực tâm nghĩ về nó. Chung quy lại, vấn đề được đề cập đến không hề đao to nhưng lại vô cùng ý nghĩa vì nó đã động chạm được tới suy nghĩ của nhiều bạn trẻ hiện nay. 

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh – tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên cũng đưa ra lời nhận định rằng câu đọc hiểu được đưa ra trên đã đặt ra một vấn đề khá nhức nhối. 

"Đây không phải hiếm gặp trong cuộc sống hôm nay. Đó là tình trạng trẻ con cảm thấy khó chịu, từ đó ngỗ ngược, ngang ngạnh, phản ứng tiêu cực trước những yêu thương, những ân cần của cha mẹ. Có nhiều lý do để giải thích cho điều này. Nhưng cái chính có lẽ là do cái tôi quá lớn, quá ngông nghênh, trẻ muốn mình có một thế giới riêng bất khả xâm phạm, tự do theo ý mình mà không ý thức được đúng sai. 

Từ điều này, trẻ con xem những ân cần, những quan tâm của ba mẹ là những dò xét thái quá, xâm phạm đời tư, từ đó mà khó chịu, phản ứng tiêu cực. Vấn đề đặt ra khiến ta phải giật mình về sự thay đổi phức tạp đến khó lường trong mối quan hệ của cha mẹ và con cái trong cuộc sống hôm nay. Để từ đó có những thay đổi linh hoạt hơn trong cách yêu thương, quan tâm, uốn nắn, dạy dỗ con cái", thầy Minh chia sẻ.

Trong khi đó, ý kiến quan điểm từ phía các em học sinh, em Nguyễn Thị An có nguyện vọng vào lớp 10 Trường THPT Lý Tự Trọng (TP Nha Trang) cũng chia sẻ rằng đây là một đề thi không khó, cấu trúc quen thuộc như những gì em đã luyện tập trước đó. 

Em nói: "Nhưng em thú vị với vấn đề con cái từ chối sự quan tâm của cha mẹ. Em thấy mình đôi khi cũng bốc đồng, muốn tự khẳng định, muốn thể hiện mình nên bỏ ngoài tai và mặc cho những ân cần của mẹ em. Đề thi làm em nghĩ ngẫm và chột dạ".

Có thể thấy, việc ra đề đang dần đánh đúng được những vấn đề ẩn sâu trong xã hội hiện nay. Nó có thể là những vấn đề rất nổi trội hoặc cũng có thể là những điều nhỏ nhặt nhưng cũng cần dành được sự quan tâm nhất định.  Về cơ bản, vẫn cấu trúc thông thường của một bài thi, tuy nhiên đòi hỏi các em thật sự phải có những trải nghiệm và thực sự để tâm tới vấn đề đang đề cập thì mới thấy được cái hay của đề bài và dụng ý của người ra đề. 

Cùng tìm hiểu nhiều hơn những bài viết khác về chủ đề học đường trên trang blog của TKBooks nhé!

TKBooks – Đồng hành cùng học sinh.